Hiển thị các bài đăng có nhãn CHUYỆN NGHỀ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CHUYỆN NGHỀ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

#1 Chuyện nghề: Cái ống nước

Ảnh này chụp lại trong đợt đi chơi Hạ Long, khu dự án shophouse hình như là của Sungroup. Thấy hơi buồn cho những căn nhà tiền nhiều tỷ, chỉ vì mấy cái ống nước kia.


Chợt nhớ lại hồi 2018 mình có theo một dự án dạng nhà khách khá lớn cho 1 chủ đầu tư là những người Ý. Dự án đó đề bài là team mình cần thiết kế ngoại thất + nội thất (chia lại cả công năng) cho một ngôi nhà đã thi công xong toàn bộ phần kết cấu chính thành phong cách tân cổ.
Phong cách thiết kế được duyệt là khá nhẹ nhàng, không đắp nhiều, phào chỉ cũng rất mảnh và chủ yếu ốp ngoại thất đá. 


Điều khó khăn mà mình muốn kể ở đây là khi thiết kế hệ thống thoát nước mưa, do không thể giấu hệ thống ống nước vào trong những thức cột mỏng, kết cấu nhà vốn đã có mình và ông bạn già đồng nghiệp đã phải đau đầu cả tuần liền để tính toán và dựng 3d từng đoạn ống, lòng vòng uốn lượn gập khúc, xuyên qua từng tấm sàn từng tầng, lách qua dầm, chạy trong tường, đi từng tầng một từ trên xuống dưới, với 2 mục tiêu: 


  1. đảm bảo hệ thống thoát nước mưa cho toàn mặt bằng mái rộng mênh mông mà không để lộ bất cứ 1 cái ống nào ở ngoại thất 
  2. không để lòi một cái hộp kỹ thuật nào ảnh hưởng tới nội thất.
Đợt đó 2 anh em vừa check catalogue thông số các loại ống và đoạn chia, vừa vẽ sketchup, tay vừa to, não vừa nhăn 😅

Mà rõ ràng là công việc này chỉ có Kiến trúc sư mới hiểu và quyết tâm làm cho đến cùng.
(Thực tế đến khi thi công, nhà thầu vẫn tự hỏi sao mấy ông Kiến trúc này phức tạp thế)

Hoặc có thể tiêu chuẩn của team lúc đó quá cao chăng? 
Hay cứ làm đoạn ống đồng như hình cho khỏe nhỉ?


Ở đây chỉ muốn rút ra 1 số điều:

  1. Dù là Kiến trúc sư, nhưng để đạt được mục tiêu thiết kế, chúng ta vẫn phải sẵn sàng làm những công việc tưởng chừng như không liên quan. ví dụ vẽ mấy cái ống nước.
  2. Tư duy phối hợp phải vượt qua lợi ích của cá nhân bộ môn, nên hướng tới cùng nhau làm ra 1 dự án chất lượng, lúc đó, dự án thực tế tạo ra mới chất lượng.
Hết!

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Chuyện Tôi làm BIM

BIM
Tính ra đã hơn 3 năm bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu BIM, trong đó cũng gần 2 năm tập trung chỉ ngồi học về BIM.
Từ cái thuở Facebook, hay Internet cái từ BIM còn quá xa lạ với 99,9% anh em trong ngành; Hùng đã lăn lộn làm, đọc và dịch cả ngàn trang tài liệu Á Âu, Singapro, Mỹ, Anh... lân la khắp các diễn đàn, website của các "bộ BIM" của các nước.

Chợt nhớ hồi đó, mà đăng FB 1 bài về BIM là chả ma nào hiểu mình viết cái gì. Quá lạ lẫm.
Ấy vậy mà, mới chỉ thời gian ngắn, khắp mọi nơi, đi đâu cũng thấy người ta nói về BIM.
Chả biết thật giả như nào, người người lập trung tâm, lập công ty, lập website quảng cáo là đơn vị BIM hàng đầu số 1 Việt Nam.
Rồi thì các tiến sỹ BIM đi khắp mọi nơi phân phát kiến thức về BIM.
Rồi thì "Hội Ác sần BIM Vịt"
Rồi thì vô số anh hùng BIM khác nữa.
Hùng thấy hoảng.
Hùng nghe video họ nói Hùng sợ.
Hùng đọc bài viết của họ Hùng cũng sợ.
Hùng đi hội thảo của họ Hùng cũng rất sợ.
Nghe họ nói, Hùng chả biết Hùng phải làm gì nữa. Hùng thấy Hùng nhỏ bé. Hùng thấy Hùng chả biết gì cả.
Hùng chả biết các bạn đồng nghiệp khác, doanh nghiệp chưa biết gì về BIM nghe xong có sợ như Hùng không. Hùng không biết là Hùng ngu hay là thứ họ nói quá cao siêu nữa.
Chứ mà như Hùng thì với những điều họ nói thì Việt Nam còn lâu mới làm nổi BIM.
Cơ mà Hùng sợ 1 phút thôi. Hết sợ Hùng lại cười. Vì Hùng biết BIM là cái gì đi nữa thì Hùng vẫn là người làm nghề. Và với Hùng, những thứ họ nói chỉ là BIM Marketing mà thôi.
Có BIM hay BOM thì cứ là người Kiến trúc sư, Kỹ sư có kiến thức tốt, sử dụng công cụ hợp lý, cho ra sản phẩm chất lượng là được.


Kệ BIM nó là cái quái gì. Ai thích hô, ai thích biểu tình kệ họ.
Hùng vẫn chỉ dám nhận là Kiến trúc sư (à mà đã có chứng nhận hành nghề đâu, bộ chưa cho, các bác đang cãi nhau), Hùng chỉ dám nhận là người dạy Revit, dùng Revit để làm Thiết kế, để làm tòa nhà tốt, công trình tốt. Hùng có những anh em cơ điện, kết cấu, cầu đường khác cũng như vậy. Chia sẻ nhau kiến thức kinh nghiệm để sao ngồi chung mâm, làm chung nhà cho nó tốt, cho nó mượt.
Vậy là ổn.
Cách đây 2 tháng gì đó, công ty Hùng mới làm Cardvisit cho Hùng. Hùng viết thông tin đơn giản: Phạm Sỹ Hùng - Kiến trúc sư.
Hôm sau Hùng nhận thẻ, chính ình dòng chữ " BIM Specialist". Hùng hỏi "Ấy mình có phải Chuyên gia BIM đâu"
Bạn admin bảo, không được, cái này là cho công ty.
Vậy đó.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Nghề Thiết kế và chuyện chỉnh sửa phương án! Làm sao để vượt qua điều này?

Chắc các bạn ai nếu làm nghề thiết kế chắc đều hiểu hình ảnh dở khóc dở cười này: CÂU CHUYỆN SỬA PHƯƠNG ÁN.
Chỉnh, chỉnh nữa, chỉnh mãi
Làm nghề này chúng ta phải chấp nhận việc Chủ đầu tư luôn thay đổi. Đang thiết kế cũng đổi mà thậm chí đang xây rồi bắt đổi rồi đập xây lại là bình thường. Cơ bản khách hàng bỏ tiền nên họ luôn đòi hỏi cái tốt nhất. Khổ nỗi đôi khi họ chả biết họ muốn cái gì. Do vậy các nhà tư vấn phải luôn biết cách. 
Một vài kinh nghiệm mà tôi có được: 

 1 là tìm hiểu yêu cầu khách hàng cho rõ ràng, theo phương châm là Hiểu khách hàng hơn chính khách hàng hiểu họ, mấy lần gặp gỡ đầu cố gắng đào bới nhu cầu và sở thích, sau đó biến thành Nhiệm vụ thiết kế và thành văn bản đàng hoàng càng tốt.


 2 giai đoạn đầu khi đưa ra những thiết kế sơ bộ để kí hợp đồng thì tránh thiết kế quá sâu; nhưng "không sâu" khác với sơ sài, phải làm sao mà cho họ thấy được sự chuyên nghiệp và trình độ của mình là được, kiểu như để chào hàng. Dự án mình đang làm, chủ đầu tư bảo bên mình là đội thứ 3 vào, 2 đội trước mới gặp 1 2 lần đã show mặt bằng, phối cảnh render lung linh rất hoành tráng nhưng vẫn miss như thường. Cái này rất nhiều bạn gặp.

Thiết kế quá sâu trong giai đoạn đầu không mang lại hiệu quả cao
 3 khi kí hợp đồng thì hợp đồng nên ghi rõ ràng, trách nhiệm các bên khi sửa phương án như thế nào, sửa bao lần, sửa bao nhiêu phần trăm, chi phí khi sửa là sao... Cái hợp đồng là cái quan trọng, đọc và soạn cho kĩ, toàn gài nhau thôi
Hợp đồng "bút sa gà chết"


 4 trong quá trình làm, chủ nhà rất thích sửa, đôi khi họ sửa chẳng phải vì họ muốn mà vì ai đó bày cho, đôi khi là ông thầy phong thủy, khi thì anh hàng xóm tốt bụng, khi thì bà bán thịt trước cửa nhà. Do vậy cái quan trọng là anh thiết kế phải có trình độ trong khả năng thuyết phục và tư vấn. Mà cái đó đến từ đâu? Đến từ trình độ thiết kế của mình. Thiết kế phải có đầu tư, vẽ cái gì cũng phải có LÍ LUẬN THIẾT KẾ, nên có các phương án so sánh, tốt nữa thì phải có mô phỏng: mô phỏng kiến trúc, mô phỏng năng lượng, mô phỏng thi công... Nếu làm được vậy chả lo chủ đầu tư thay đổi, mà mình cũng làm họ không những hài lòng mà còn thuyết phục.

Mô phỏng & Phân tích năng lượng cho công trình

 Cuối cùng là cần trang bị cho mình công cụ và quy trình làm việc chuẩn. Sử dụng phần mềm nào cho hiệu quả, ví dụ Revit. Cái này không phải PR gì mà thực tế Revit và BIM hỗ trợ thay đổi, chỉnh sửa phương án nhanh và hiệu quả. 

Mô hình dự án với Revit

Ví dụ với Revit, chỉ cần bạn sửa 1 bản vẽ là tất cả bản vẽ đi theo, không phải ngồi hì hụi như CAD.
3 bước 1,2,3 cũng liên quan đến quy trình làm việc. Các bước tiếp cận dự án như thế nào, các bước cần cái gì và cần làm gì...
 Nói chung là làm việc CHUYÊN NGHIỆP lên thôi.
Bản quyền thuộc về hungphamkts2014. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts