Hiển thị các bài đăng có nhãn CHUYỆN NGOÀI LỀ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CHUYỆN NGOÀI LỀ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Lần đầu mẹ đi máy bay

Lần đầu mẹ đi máy bay

Máy bay vẫn bay đều đều, bồng bềnh lâng lâng trong những tầng mây. Tay mẹ bất chợt nằm gọn lỏn trong bàn tay của con, nằm thật ngoan trong những vết chai sạn của cuộc đời.

(Kính tặng bác Nguyễn Thị Vĩnh và tất cả những người Mẹ đã dắt chúng con đi suốt vạn dặm cuộc đời)



Lần đầu mẹ đi máy bay. Lúc sáu mươi tuổi, tóc bạc màu mây.
Tuần trước con trai nói dắt mẹ đi chơi hơn 700 cây số ở tận miền Trung bằng máy bay. Mẹ vừa mừng vừa sợ. Mẹ sợ. Hồi đó tới giờ mẹ có đi đâu xa, luẩn quẩn trong quê nhà bé tẹo, chèo xuồng đưa đẩy dọc dòng kinh, đội thúng bán buôn lơn tơn ra tới hết Xóm Chòi là xa lơ xa lắc.  
Cho đến khi con trai đi làm xa, mẹ mới nhịn tiền bán vịt lên Sài Gòn thăm con. Leo lên chiếc xe đò cũ mèm chạy ầm ầm, thấy cảnh vật chuyển động vù vù, là bụng mẹ bắt đầu lạnh ngắt, tay chân bủn rủn rồi nôn thốc nôn tháo chẳng còn biết trời trăng, cho đến khi chú lơ xe la làng, dì ơi, tới bến hết tiền rồi xuống giùm con! Nghe mấy bà hàng xóm nói đi máy bay còn ác nghiệt hơn nữa. Nó bay ào lên trời rồi nhào độp xuống đất như mình chơi thả diều, làm ruột gan lộn tùng phèo một đống. Nghe mà ớn!
Nhưng mẹ mừng. Cả xóm này có ai được như mẹ. Mỗi lần về quê, con trai của mẹ khệ nệ rinh về từng cái nồi, cái chảo mua ngoài siêu thị mà mẹ thích, rồi dúi cho mẹ vài trăm nghìn. Mẹ nghe xốn xang trong dạ.
Mẹ nghèo. Đến lúc biết chạy chơi thì con phải đi chăn vịt chạy đồng. Lớn lên rồi con đi theo bè bạn đập đá trên Gia Kiệm, Đồng Nai để kiếm tiền đóng học phí và mua đồng phục cho năm học sau, mà không kỳ kèo xin một đồng của mẹ. Mẹ không biết làm gì hơn, lén ra gốc dừa ngồi khóc rưng rức.
Ba tháng sau con về. Đen thui, cao nhồng, ốm nhách. Mẹ sợ điếng cả người, chợt nhận ra con mình lao lung đến dường vậy. Mẹ sợ mất con. Lúc còn nhỏ, con trai của mẹ đứt ngón tay chút xíu mà mẹ tưởng như dao cắt vào lòng. Vậy mà nắng gió đồi Soklu nỡ làm hư hao con mẹ, trái tim của mẹ quặn thắt.
Mẹ khóc rấm rứt một mình trong chòi bếp. Con trai vô tư, ngồi kế bên dúi đầu vào nách mẹ. Mẹ phải giả vờ nói củi dừa chưa khô, hun nhiều khói xanh cay mắt. Con lẳng lặng ra ngoài sau vườn, chặt mớ trâm bầu, phơi áng chừng vài đợt nắng để củi khô cháy đượm không còn làm cay mắt mẹ.
Con trai lớn rồi. Mẹ mừng. Cả xóm này có con cái nhà ai đẹp đẽ như con trai của mẹ. Mũi thẳng băng, cao ngời ngời giống hệt cha nó. Trán rộng, sáng trưng, mà mỗi khi vuốt lên tóc của con, mẹ lại khấn cầu Phật Bà Quan Âm độ trì cho con trai được sáng sủa học thành tài. Không như mẹ chẳng biết mặt chữ con số là gì. Đến cái tên còn phải nhờ người ta viết hộ. Hồi đó đi làm giấy chứng minh nhân dân, chú công an cứ hỏi tên bà là Vĩnh hay Dĩnh. Mẹ ấm ớ nói, cái gì cũng được. Dớ mèn ơi, bà này giỡn mặt chánh quyền hả? Nghe mắc sợ. Dạ, chú mần ơn, tui hổng biết chữ. Để kêu sắp nhỏ về hỏi ông ngoại nó...
Mẹ mừng. Cả xóm này có ai được đi máy bay như mẹ. Ai cũng đầu tắt mặt tối ruộng vườn, heo cúi. Đẻ con ra, nuôi nó đặng người đặng nết thì dựng vợ gả chồng. Rồi đời chúng nó cũng như ông bà, cha mẹ mà thôi. Đẻ con, rồi heo cúi, vịt gà. Con trai của mẹ sớm đã có chí lập thân. Phải tội mẹ nghèo, học xong cấp ba thì con đi lên Sài Gòn kiếm sống. 
Người ta kháo rằng muốn làm diễn viên phải đi học đóng kịch ở Sài Gòn. Con khăn gói lên Sài Gòn để đi làm có tiền học làm diễn viên. Kiếm được miếng cơm manh áo làm con cứng cáp, nhưng làm mềm lòng của mẹ.
Con đi làm thuê làm mướn, chật vật ở xứ người. Bẵng qua mấy năm thì ước mơ tàn lụi. Lắm khi con về quê xem phim cùng mẹ, mẹ thấy ánh mắt của con đượm buồn vời vợi nhìn lơ đãng lên màn hình. Mẹ biết, con chỉ có thể là diễn viên của cuộc đời con, và mẹ là khán giả duy nhất ngồi xem cuộc đời ấy mà thôi. Mẹ lén chui vào mùng nằm chùi nước mắt.
Lần này mẹ mừng. Con trai nhín tiền, nói mẹ đi chơi nhe, con mua vé máy bay rồi, mẹ hổng đi bỏ uổng tiền lắm. Mẹ ừ. Mừng chứ sao hổng mừng. Mẹ đi khoe với bà con dòng họ bên nội lẫn bên ngoại. Chưa hết, gặp ai mẹ cũng khoe. Khoe với ông bán dừa, rồi khoe luôn với con nhỏ bán bún mắm ngoài chợ. Gặp ai thì kiếm cớ hỏi này hỏi nọ, vậy chứchú/thím/con biết Đà Nẵng chưa? Chưa hả? Mèn ơi, chị/bác/dì/thím sắp đi ra ngoài đó nè. Có mần ăn gì đâu, đi du lịch chơi thôi. Con trai nó bao. Đi bằng máy bay...
Hàng xóm tụ tập. Bà con cũng hỏi thăm. Chắc là tò mò, hay là ghen tỵ? Mẹ mặc kệ. Đi máy bay trên trời, chứ phải đi xe đò thì khoe làm gì cho hao nước miếng! Mẹ không dám kể lại với con chuyện người ta thắc mắc, sợ nó mặt mày chù ụ khi biết mẹ khoe. Khoe gì nỗi mà khoe. Máy bay giá rẻ, chẳng dám mua thêm hành lý ký gửi sợ tốn tiền nữa kìa mẹ!
Mẹ khoe con, chứ khoe làm chi chuyến đi du lịch, càng khoe làm gì chiếc máy bay đâu phải sở hữu của mẹ. Mẹ mát lòng khi người ta xúm vào chắt lưỡi hít hà, con trai có hiếu quá trời quá đất!
Vậy là mẹ bắt vịt nấu cháo, mời người ta ở lại. Không dám nói là tiệc tùng, chỉ nói đại khái rằng thôi thì huỡn huỡn ở lại ăn cháo vịt chơi! Cứ như là mẹ sắp từ biệt họ để đi nước ngoài không bằng.
Khách khứa về rồi, mẹ ngồi rửa chén và khóc một mình. Mẹ sợ tốn tiền của con. Nghe bà con tới chơi nói rằng có người phải bán vàng để mua vé máy bay. Mẹ sợ điếng hồn. Vội vàng nín khóc, hỉ mũi, chùi tay vào quần, mẹ vào buồng lục tìm khoen vàng mẹ may giấu trong lớp áo bà ba để phòng khi gia đình có người đau yếu. Mẹ xỏ nó vào ngón tay, lẩm bẩm, thôi kệ, lên Sài Gòn rồi bán cũng được...
Mẹ lấy cớ đường xa, lên Sài Gòn trước một đêm để được ở với con. Con trai nằm kế bên, thình lình quay sang ôm mẹ chặt cứng. Nó cười hăng hắc, nói mẹ nôn lắm sao mà ngủ hông được, lêu lêu, con nít sáu mươi tuổi đây nè! Tổ cha mày...
Mẹ nằm im nghe con ngáy đều đều, rồi lén rờ bàn tay của con. Lâu rồi mẹ chưa đụng vào da thịt của con. Bàn tay chai sần, nóng hổi. Mẹ nghe như máu thịt của mình đang tan chảy dần sang bàn tay của con. Người ta giàu có cho con cái của mình bàn tay hồng hào phúc đức. Mẹ nghèo hèn chỉ đủ mua phong trần chai sạn vào lòng bàn tay của con mà thôi.
Con trai của mẹ nằm nghiêng một bên. Sống mũi cao cao, trán rộng ngang tàng. Mẹ thèm được vuốt lên tóc của nó một chút, rồi hít vào trán của nó, ngửi mùi mồ hôi của nó, nghe mùi nắng Sài Gòn làm săn lại những vết chân chim bên khóe mắt của nó. Mẹ chỉ dám nhìn, không dám chạm vào con, sợ nó trở mình, sợ nó buông mình ra rồi lăn qua bên kia ngủ tiếp.
Mẹ thao thức suốt cả đêm, ước gì ngày nào mình cũng có cớ đi du lịch như thế này để được nằm bên con. Đó là ước mơ xa xỉ, còn hơn cả việc đi máy bay. Sài Gòn rộng lớn biết bao, cuộc đời bất tận. Đêm trường rồi khép lại, bình minh sẽ đưa con đến tận đâu, hả con?
Lúc ra sân bay, mẹ sợ thiệt. Thấy ai ai cũng ăn mặc xinh đẹp, giàu sang, đi ngang bốc mùi thơm phức. Nghe giọng cô nào đó phát loa báo hành khách lên chuyến bay này chuyến bay nọ, lại thấy người ta nói tiếng tây xí xô xí xào. Mẹ sợ quéo cả người. Sợ người ta hỏi mình không biết đường trả lời. Mẹ bám vào tay con.
Cô gái ở quầy kiểm tra vé quát vào mẹ. Dì này, kỳ vậy nè! Giấy chứng minh nhân dân hết hạn từ đời cố lũy nào, lúc con còn chưa sinh ra nữa là, vậy làm sao mà đi được! Quái lạ, đi xe đò có ai kiểm thẻ căn cước của tui đâu cô! Dì này, kỳ vậy nè! Đi máy bay chứ phải xe đò sao dì nói!
Con trai đứng bên năn nỉ, em thông cảm, mẹ anh ở quê ra, anh lại sơ ý mua vé mà quên hỏi mẹ giấy tờ! Thông cảm gì mà thông cảm… Ngó mặt ra chợt thấy anh chàng đẹp trai, nên cô dịu giọng, thôi anh lại đằng phòng vé, đổi vé ngày mai đi, rồi tranh thủ làm một tờ đơn xác nhận bà này là bà này nè, không có đi tù phạm tội gì hết… Trời, đi máy bay phải xét cả tù tội nữa hả con?
Con buồn vì phải tốn thêm tiền đổi ngày đi. Mẹ mừng thầm vì lại ở được với con thêm một đêm, được nhìn cái trán rộng, sống mũi cao của nó cho đến sáng. Nhưng lại sờ sợ, vì thời gian cứ trôi. Đêm trường sẽ hết và ngày mới lại bắt đầu. Mẹ bỏ bàn tay của con ra, lúc con vừa trở mình ban sáng…
Hôm sau mẹ con ra sân bay lần nữa. Mẹ lập cập trình tờ giấy nhăn đùm mà thằng cháu cố công chạy ra công an xã chứng nhận lúc nửa đêm rồi hộc tốc chạy xe máy một lèo lên Sài Gòn để trao tận tay cho bà dì để đi máy bay. Lạ thiệt, lần này cô gái kiểm tra vé chỉ nhìn con trai của mẹ chằm chằm, cười tươi roi rói, nói anh đi vui vẻ nhe. Vậy là xong. Tự nhiên mẹ thấy mừng mừng, thì ra con mẹ trông cũng bảnh bao. Bây giờ mẹ mới nhìn kỹ con. Nó đẹp trai thiệt, ăn mặc lịch thiệp đàng hoàng, nào ai dám nói nó là con của bà già nhà quê như mẹ nữa.
Nhưng mẹ lại chạnh lòng. Quần áo bóng bẩy này phải đổi bằng những vết chai sạn trong lòng bàn tay, mà lẽ ra tất cả những chai sạn đó phải thuộc về phần của mẹ. Như quán tính, mẹ nắm lấy bàn tay con, sợ rằng vết chai sần đó sẽ thuộc về người khác…
Chân mẹ quíu lại khi bước lên cầu thang chiếc máy bay. Sao chiếc máy bay này dài thòng bằng mấy chiếc xe đò vậy ta? Mẹ lóng ngóng đi đằng trước. Con trai lịch sự nhường đường cho một cô gái trẻ đẹp nũng nịu nên đứng lại đằng sau. Một ông tây hỏi mẹ cái gì đó, mẹ ậm ừ, nói bừa, dạ tui đi Đà Nẵng chú ơi! Chú đi đâu mà có mình ên vậy hả? Anh thanh niên đứng kế bên cười sằng sặc, bà bác ơi, ổng hỏi bác ngồi ghế số mấy, phải 9A không? Dạ, vậy ha? Mèn ơi, bác có biết đâu nè con, bộ không phải ngồi ghế nào cũng được hả con?
Mừng quá, con trai đến rồi. Nó cười cười, nói con nhỏ đằng sau dễ thương ác đạn thiệt! Nhìn theo ánh mắt của con, mẹ thấy cô gái đang cong môi đỏ chót với con của mình. Xem ra con cái nhà giàu có, son phấn đủ đầy, nhưng sao ăn mặc lại kém cỏi đến thế, không sợ đi máy bay lạnh run người sao mặc chi cái áo mỏng mảnh thế hở con?
Mẹ nén tiếng thở dài, chẳng trông mong đứa con gái đó để mắt đến con của mình. Quần áo lượt là của con trai cũng chỉ là quần áo che đậy thân thể mà thôi. Tự nhiên mẹ muốn mua hai tờ vé số, giống như bữa hổm ngồi chồm hỗm ở bến xe chờ con trai đến đón, mẹ mua cầu may hai tờ vé số vậy mà. Có tiền rồi mẹ sẽ hỏi cuộc đời bao nhiêu tiền một vết chai sạn trong lòng bàn tay của con. Và mẹ cũng sẽ nắm lấy tay con đi lên Sài Gòn hỏi trường nào dạy con tôi đóng kịch, để được một lần con hát trên vô tuyến cho mẹ xem. Mẹ quay qua con càm ràm, quái lạ, bến máy bay này không bằng một góc bến xe miền Tây, muốn mua vé số ở đây cũng khó nữa con ạ!
... Con trai dắt mẹ vào ghế ngồi cạnh cửa sổ, rồi vòng người qua để thắt dây an toàn cho mẹ. Mẹ bảo, thôi cứ để thí đại nó đi, cột lại không thoải mái cái bụng con à! Con cười ha hả, mẹ ơi, phải thắt dây lại cho an toàn, nếu không sẽ té nhủi về phía trước hay bay bổng lên trên khi máy bay có chuyện bất thường! Ấy chết, đừng có nói chuyện gở như vậy nghe con!
Máy bay chạy ào ào trên đường băng. Mẹ không dám nhìn ra bên ngoài. Tự nhiên mẹ sợ. Nó chạy nhanh hơn xe đò nhiều lắm, đèn bên trong lại bị tắt tối mờ mờ, nhìn sang con chỉ thấy nó đang mỉm cười nhìn mẹ. Ánh mắt của nó trong veo, hệt như năm lên sáu tuổi mẹ dắt nó băng qua bờ cơm nếp ngoài đồng để đến trường và nó ngây ngô hỏi, mình đi qua nhà ngoại chơi hả mẹ? Không phải, mẹ dắt con vào đời từ đây con nhé!  
Máy bay bỗng đột ngột cất mình lên. Đôi tai của mẹ lùng bùng như có ai lấy bông cỏ may ngoái vào. Trời đất đảo lộn tùm lum. Sài Gòn nhỏ xíu xanh xanh, ngang hông mẹ là mây lớp lớp. Máy bay rùng rùng đi vào đám mây trắng xóa, Sài Gòn mất tiêu. Tim mẹ đập thình thịch. Mẹ chưa từng lên cao như thế này bao giờ. Nếu lỡ máy bay lên cao hết nổi nữa thì sao? Thì nó sẽ rớt tan tành chứ sao!
Mẹ hoảng sợ. Mẹ niệm kinh cứu khổ cứu nạn, lạy đức Quan Thế Âm từ bi cứu lấy con trai của con, con chí thành đảnh lễ, nguyện cầu cứu giúp con trai của con! Mẹ muốn quay qua con và nói, thôi con ơi, mình về nhà thôi con ơi! Con trai của mẹ không thể nào rớt ịch xuống đất được! Vầng trán đó, sống mũi đó là của con. Con là diễn viên của cuộc đời riêng con. Mẹ không thể nào đánh mất con được! Mẹ giơ tay lên, muốn chạm vào da thịt của con, mẹ không thèm đi máy bay, mẹ cũng không thèm đi du lịch!
Máy bay vẫn bay đều đều, bồng bềnh lâng lâng trong những tầng mây. Tay mẹ bất chợt nằm gọn lỏn trong bàn tay của con, nằm thật ngoan trong những vết chai sạn của cuộc đời.
Hãy để con dắt mẹ đi 700 cây số cuộc đời mẹ nhé! Chỉ 700 cây số trong khoảng một tiếng đồng hồ, như mẹ từng nắm tay con đi hơn vạn dặm, từ hồi lẫm đẫm tập đi cho đến khi giang hồ bụi bặm. Con cầm bàn tay run run của mẹ và bước vào cuộc đời.
... Lần đầu mẹ đi máy bay. Lúc sáu mươi tuổi, tóc mẹ bạc tựa mây bên trời.
(sưu tầm)

* Hôm nay, mẹ lại gọi điện cho con. Con chợt nhớ tới bài báo này, và nhớ tới mẹ.
Mẹ ở quê, chẳng kinh doanh buôn bán chi, suốt ngày loanh quanh với thôn xóm, gom góp từng đồng tiền nhà trọ, từng con gà quả trứng cho con. Mỗi lần về con toàn ngồi nói chuyện khởi nghiệm, kinh doanh, nào đầu tư nào buôn bán. Mẹ cũng chỉ nghe và cười, mẹ bảo mẹ không biết gì, nhưng cũng chỉ mong con trai tìm được thứ con thích, làm được thứ con muốn, thế là đủ.

Mỗi lần về, ai cũng bảo con sao không về quê làm mà ở với mẹ. Chỉ có hai mẹ con mà thương nhau. Cuộc đời rong ruổi được bao lâu, ở quê vẫn còn nhiều cơ hội cho con phấn đấu, cớ sao cứ bon chen nơi thủ đô chật hẹp.
Con biết, từ sâu thẳm của mẹ, mẹ muốn điều đó. Mẹ nào cũng muốn gần con, nhất là khi đã có tuổi.
Nhưng con cũng biết rằng, từ trong sâu thẳm, mẹ thương con và muốn con được thực hiện và thực hiện được giấc mơ hoài bão của mình. Và trong sâu thẳm tim con, con biết ơn ngàn lần mẹ vì điều đó.
Mấy hôm nay công việc công ty có nhiều chuyện, trong lòng có nhiều trăn trở, dự định.  Mẹ biết điều đó và mẹ mỗi tối, cứ sau giờ con dạy học xong lại gọi điện cho con, hỏi thăm động viên con. Mẹ lo cho con mẹ tuổi trẻ, chưa đủ dạn dày với sóng gió ngoài kia, sợ con bị cuộc đời vồ vập mà đánh mất cái bình yên mà con vốn có. Mẹ chỉ mong con bình an mà thôi.

Con biết đường phía trước còn dài, còn nhiều khó khăn phải vượt qua và không dễ dàng như con vẫn nghĩ. Nhưng con tin rằng, khi con có một người mẹ vĩ đại, một điểm dựa tinh thần gia đình vững chắc cũng những người anh em chân thành, thì con có thể làm được, chúng con có thể làm được. 
Cám ơn mẹ!

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Những điều suy ngẫm từ sự sụp đổ của đế chế Yahoo!

Cách đây vài ngày, đế chế một thời Yahoo! đã chính thức bị bán mảnh kinh doanh cốt lõi cho Verizon với giá 4.83 tỷ đô, chỉ gần bằng 1/10 (45 tỷ đô) cái giá mà Microsoft đề nghị vào năm 2008, và là số lẻ của giá trị Yahoo! (được cho là 125 tỷ đô) những năm đầu 2000.

Cách đây vài tháng, báo giới còn cho thấy việc Yahoo! Rao bán mình chỉ là trò lừa bịp. Nhưng, cuối cùng cuộc đấu giá đã kết thúc. Yahoo chính thức bán mình cho công ty viễn thông Verizon và có thể, thương hiệu từng đứng đầu ngành công nghệ của thế giới này sẽ bị xóa xổ vĩnh viễn.
Cộng đồng người dùng internet thời kỳ đầu nuối tiếc, giới đầu tư và cộng đồng công nghệ giật mình, tất cả cùng nhìn vào Yahoo! để tìm ra đâu chính là lí do khiến Yahoo! phải bán mình?

 Tất cả chúng ta, những người thuộc thế hệ 8X và đầu 9x không thể quên được thời kỳ vinh quang của Yahoo! Những năm 2005 khi mà người người à hú nhà nhà già hú. 


  Chợt giật mình, 1 đế chế cũng có thể vươn lên đỉnh cao huy hoàng, nhưng cũng có thể lụi tàn trong chốc lát (1995 - 2016) mà chúng ta không thể ngờ được.

Yahoo! luôn cho những tiếng Buzz! giật mình
Từ Yahoo! bản thân mình, từ những điều đã trải qua 2 năm qua, dễ nhìn ra vài điều về con đường đi lên của một doanh nghiệp:

(1) Một cá nhân, doanh nghiệp, startup có thể dễ dàng bước lên đỉnh cao khi "gió nổi lên" tức gặp đúng thời điểm (thiên thời). Yahoo! chính là người dẫn đường cho những ngày đầu của Internet, được coi là đế chế đưa chúng ta đến với World Wide Web (www). Yahoo! Đã là ông vua công nghệ khi Google còn chỉ là 1 startup còn Facebook còn chưa ra đời.

Hai nhà sáng lập Jerry Yang và David Filo
Thời điểm chính là một trong những điều quan trọng bậc nhất để tạo ra một startup thành công. Yahoo! Đã có được điều đó khi ra đời đúng vào thời điểm Internet bắt đầu bùng nổ.

(2) Nhưng ngọn gió, con sóng đưa thuyền ra biển lớn có thể đổi chiều bất cứ lúc nào. Nhất là trong thế giới hiện đại ngày nay, mọi thứ có thể thay đổi sau một đêm, đặc biệt là doanh nghiệp liên quan đến Công nghệ.

 Hãy nhìn lại Nokia. Nó cũng khá giống Yahoo!, là người đi đầu nhưng ngủ quên trên vinh quang và bị đánh bại.
Nokia - ông lớn cũng đã phải bán mình
Tính "linh hoạt, thích ứng" là vô cùng quan trọng trong kinh doanh ngày nay. Cuộc chơi sẽ càng ngày càng khó. Miếng bánh sẽ càng ngày càng nhiều người kẻ tranh. Nếu chúng ta cứng nhắc và bảo thủ thì thất bại là điều tất yếu.

(3) Yahoo! ở khía cạnh nào đó cũng đã linh hoạt khi cũng cố gắng đầu tư nhiều mảng khác nhau của mảnh đất màu mỡ Internet như:
+ Mảng quảng cáo (là thế mạnh của ở Yahoo!)
+ Mảng tìm kiếm: Yahoo! Search - bị đánh bại
+ Mảng trò chuyện trực tuyến: Yahoo!Messenger - bị đánh bại
+ Mảng blog, cộng đồng: Yahoo! 360, Tumblr - bị đánh bại
+ Mảng chia sẻ hình ảnh: mua Flickr nhưng đầu tư thất bại
và rất rất nhiều  nhiều lĩnh vực khác!
Điều đó cho thấy Yahoo! đã cố bắt kịp những xu hướng thời đại nhưng đều thất bại! Vì sao?
Lí do dễ thấy Yahoo! đã phát triển, mở rộng nhưng không hề có một giá trị cốt lõi nào. Điều đó là vô cùng nguy hiểm với doanh nghiệp và tôi tin là lí do chủ đạo của sự sụp đổ này.
Việc đầu tư mở rộng dựa theo tư duy tầm nhìn, thậm chí là cảm hứng nhất thời của một hay số ít lãnh đạo trong doanh nghiệp, mà không hiểu rõ Giá trị cốt lõi của công ty, các nền tảng về: Hoạt động, Tài chính, Nhân sự, Văn hóa… khiến tất cả đội ngũ Yahoo! mông lung không thể hiểu được đâu mới là con đường đi của tập đoàn, đâu thực sự là thế mạnh, đâu mới là lí do để chiến đấu và đâu là lí do cả thế giới biết đến Yahoo!

Yahoo! được cho là mồ chôn của rất nhiều startup vì bị họ mua về, nhưng do không hiểu rõ, thiếu đầu tư và định hướng, làm điều họ không mạnh nhất và bị chết yểu!

Flickr - đứa bé chết yểu trong vòng tay Yahoo!
Thế giới ngoài kia rất có nhiều miếng bánh ngon. Nhưng doanh nghiệp cần phải biết, đâu là miếng bánh dành cho mình.

Không phải miếng phô mai nào cũng dễ ăn!
Nói đến giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (như trong cuốn Good to Great - Tốt đến Vĩ đại) tức là lí do mà doanh nghiệp tồn tại. Cho dù thời thế thay đổi, con đường đi thay đổi, lĩnh vực kinh doanh thay đổi, nhưng Cốt lõi đó sẽ không bao giờ thay đổi. Nó như là tuyên ngôn, là niềm tin duy nhất để doanh nghiệp tiến lên, thậm chí trong những thời điểm khó khăn nhất.
Có câu chuyện nói về Yahoo! rằng:

Năm 2006, tại một khách sạn đặt tại San Jose, bang California nước Mỹ, Yahoo tổ chức một kỳ nghỉ hè dành riêng cho các lãnh đạo của công ty. Lúc này, Yahoo vẫn đang là một trong những "người khổng lồ Internet" và vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu khó khăn nào cả.  Trong một trò chơi được tổ chức tại khách sạn San Jose, các vị lãnh đạo của Yahoo đã được hỏi một câu hỏi thú vị: Từ đầu tiên mà họ nghĩ tới khi nhắc tới tên của một công ty là gì?

Đâu là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp?
Những cái tên lớn nhất của ngành công nghiệp hi-tech được nhắc tới. eBay: đấu giá. Google: tìm kiếm. Intel: vi xử lý. Microsoft: Windows. 
Vậy còn Yahoo!??
"Những câu trả lời rải rác khắp mọi nơi", Brad Garlinghouse, người đã từng giữ vị trí phó chủ tịch của Yahoo và hiện đang là COO của startup chuyên về dịch vụ chi trả Ripple Labs khẳng định. "Một vài người nói 'mail'. Một vài người nói 'tin tức'. Những người khác nói 'tìm kiếm'".
Đó chính là dấu hiệu cho một sự phát triển không bền vững.
Hãy suy nghĩ về doanh nghiệp mình, hay bản thân mình cũng vậy thôi: “ Ngày mai ta tỉnh dậy cho điều gì? Ta sống và chiến đấu vì điều gì? Lí do gì cho sự tồn tại của ta và ta có thực sự sống vì điều đó? 

(4) Như ở trên, tôi có nhắc tới việc Yahoo! đã chi rất nhiều tiền để đầu tư vào các mảng kinh doanh mới, trong đó có việc bỏ tiền mua lại rất nhiều các công ty khác. Tuy nhiên trong khi các công ty mà Yahoo! mua về đều chết yểu thì người ta còn nhớ tới rất nhiều cơ hội mà Yahoo! đã bỏ qua trong suốt hơn 20 năm hoạt động!
Hãy cùng điểm lại:
- Năm 2002, bỏ lỡ cơ hội thâu tóm Google với giá 1 tỷ đô. 
- Năm 2006, Yahoo cũng bỏ lỡ thâu tóm Facebook chỉ vì hạ giá mua từ 1 tỷ xuống còn 850 triệu USD khiến Mark Zuckerberg giận dữ từ chối.
Năm 2008, Yahoo không chấp nhận đề nghị thâu tóm trị giá 44,6 tỉ USD từ Microsoft.

-  Ngoài ra, phi vụ đầu tư 1 tỷ đô để vào Alibaba vào năm 2005, xét về góc độ nào đó, cũng chính là nguyên nhân khiến Yahoo! sụp độ (mặc dù vụ đầu tư này là có lời nhưng Thay vì tập trung vào thế mạnh công nghệ để thống trị thế giới, Yahoo đã dần xa đà vào các mảng kinh doanh đầu tư khác và để Google, Facebook vượt mặt)
Việc quá tự tin, quá chủ quan, kiêu ngạo, nhiều khi là bảo thủ cứng nhắc, xem mình "chiếu trên" đã khiến các ông chủ Yahoo! bỏ qua quá nhiều cơ hội, và để rồi bị chính những "đàn em" Google, Facebook đánh gục!
Doanh nghiệp hay cá nhân cũng vậy, phải luôn tỉnh tảo, mỗi cơ hội, hợp đồng, nghề nghiệp cần phải luôn trân trọng, cân nhắc kĩ lưỡng, tránh việc bị tư duy cá nhân, tư duy đỉnh cao thậm chí là ảo tưởng che mờ đi sự sáng suốt.

 (5) Vấn đề từ đội ngũ lãnh đạo!
Với sự bán mình của Yahoo!, tất cả đều cho rằng, sự thất bại của Yahoo! (những lí do tôi nhắc đến trên) là do thiếu sự thống nhất từ đội ngũ lãnh đạo tập đoàn.

Một số người đổ lỗi cho Marissa Mayer - nữ CEO xinh đẹp của Yahoo! nhưng thực ra, câu chuyện Yahoo! đã trải qua việc dột từ nóc trong suốt nhiều thế hệ CEO trước!

Marissa Mayer - Nữ CEO tài năng thất bại tại Yahoo!
Sau sự ra đi của đồng sáng lập Jerry Yang (theo đuổi giấc mơ khác ngoài Yahoo) khiến tập đoàn mất phương hướng và động lực, Yahoo đã cố thuê rất nhiều CEO để cố gắng lèo lái con tàu.
- CEO Terry Semel - cựu CEO của Warner Brothers được cho là người khiến Yahoo! không thể phân biệt mình là công ty công nghệ hay công ty truyền thông!
- Năm 2007, Semel từ nhiệm, trả lại vị trí CEO cho Jerry Yang, nhưng ngay sau đó, sự chia rẽ nội bộ diễn ra khi Yahoo! được đề nghị mua với giá 45 tỷ đô. Yang lại từ bỏ Yahoo! nhường lại ghế nóng cho  Carol Bartz , cựu CEO của Autodesk vào năm 2009.
- Năm 2011, Yang lại sa thải Bartz (thông qua 1 cuộc điện thoại), đưa cựu chủ tịch PayPal là Scott Thompson vào tháng 1/2012. Thompson có ý muốn biến Yahoo thành công ty truyền thông nhưng cuối cùng chỉ 4 tháng sau khi nhậm chức ông đã nghỉ việc. Thomson đã nhanh chóng bị sa thải sau khi vướng phải bê bối “khai man” bằng cấp. Tuy nhiên, trước khi rời Yahoo Thompson đã kịp sa thải 14% nhân viên của công ty này, tương đương khoảng 2.000 người.
- Sau đó, Yahoo! tiếp tục thuê Marissa Mayer - lãnh đạo cấp cao Google, nhưng những nỗ lực cuối cùng của vị CEO xinh đẹp này cũng không thể nào cứu vợt được con tàu đắm Yahoo! 
Việc các nhà sáng lập, "người giữ hồn" doanh nghiệp không còn ở lại hoặc không còn tập trung, không còn thực sự muốn chiến đấu tới cùng là điều khiến Yahoo! lạc lối trong suốt hơn 15 năm qua. 
Các nhà lãnh đạo được thuê, mặc dù là tài ba nhưng không thấu hiểu triết lý, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, thất bại là điều tất yếu.
Điều này cũng nhắc được tới nhiều trong các cuốn sách hay các ví dụ về quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn vĩ đại.  Một doanh nghiệp chỉ bền vững khi gây dựng được một văn hóa trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo nguồn từ chính doanh nghiệp đó. Và một nhà lãnh đạo vĩ đại phải là người không chỉ lèo lái doanh nghiệp đi tới vinh quang mà còn tạo ra được những thế hệ lãnh đạo kế cận, thay thế mình khi mình ra đi.


*Tạm kết:
Hôm nay(5/8/2016) là ngày cuối cùng phiên bản Yahoo!Messenger hoạt động. Có rất nhiều kỷ niệm của những thế hệ chúng tôi gắn với Yahoo! và cũng có quá nhiều bài học có thể nhìn qua sự sụp đổ này của Yahoo!
Chợt nhớ lại cuộc trò chuyện của Mr. Vượng (Vin Group)và Mr. Hùng (Viettel) về "thịnh và suy". Quả thật là khó khi nói đâu là "Thịnh" là "Suy". Chỉ biết một điều chắc chắn rằng, khi mà doanh nghiệp nghĩ Thịnh thì đó chính là thời khắc Suy. Do vậy , doanh nghiệp luôn luôn phải giữ được ngọn lửa, tinh thần khởi nghiệp, luôn đi theo điều cốt lõi - niềm tin, đặc biệt là đến từ đội ngũ lãnh đạo, không được một giây phút chủ quan, kiêu ngạo, phải luôn là ngọn lửa vừa soi sáng vừa là tiếp thêm năng lượng. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng một cơ chế để luôn có sự phản hồi thẳng thắn và trung thực về tình trạng của công ty, có như vậy, tất cả đội ngũ mới luôn có cái nhìn chính xác nhất về con đường cũng như những gì mà công ty đang trải qua, lúc đó mới có tầm nhìn sáng suốt để doanh nghiệp đi tới.
Đừng như ngọn lửa sáng lên một lát rồi vội tắt đi.

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Nhẫn nhục chưa hẳn là nhu nhược, nhẫn là đạo của người quân tử


Cao nhân có thể thắng nhưng không thắng?
Như thế nào được gọi là cao nhân? Đôi khi thắng chưa phải là hay, thua cũng không hẳn là do bạn dở, thế nên thắng thua được mất chưa đủ để thể hiện trọn vẹn một con người.
Đạo của người quân tử là vậy, đoạt lý thì sẽ mất tình. Khiêm nhường, nhẫn nhục chưa hẳn là thua, là hèn nhát. Lão Tử dạy Khổng Tử rằng: "Ẩn trí không phải là vô dụng, mà lại đại dung".
Chuyện kể rằng, Tả Tông Đường rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một cao thủ. Kỳ thực gần như không có ai là đối thủ của Tả Tông Đường.
Có một lần Tả Tông Đường ăn mặc cải trang che dấu thân phận đi tuần tra các nơi. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một ngôi nhà tranh, bên trên treo một tấm biển “Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ”. Tả Tông Đường rất không phục liền tiến vào nhà tranh đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ liền.
Chơi cả ba ván cờ, người chủ nhân này đều bị thua, Tả Tông Đường cười lớn và nói: “Ông có thể hạ tấm biển này xuống được rồi đó!” Sau đó, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, vui vẻ bước đi tiếp.
Không lâu sau khi Tả Tông Đường quay trở lại con đường ấy để về triều. Khi ông đi ngang qua ngôi nhà kia, ông ngạc nhiên vì vẫn nhìn thấy tấm biển “Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ” vẫn không bị chủ nhân dỡ xuống. Tả Tông Đường liền vào trong nhà và lại đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ nữa.
Lần này, chơi cả ba ván cờ, Tả Tông Đường đều thua.
Tả Tông Đường rất kinh ngạc liền hỏi vị chủ nhân xem nguyên nhân vì sao?
Người chủ nhân của ngôi nhà này đáp: “Thưa ngài, lần trước là trên thân ngài còn mang trọng trách lớn, phải dẫn binh đi tuần. Tôi đương nhiên không thể làm giảm nhuệ khí của ngài được. Hôm nay, ngài đã thắng lợi trở về, tôi đương nhiên có thể chơi hết sức mình, việc đáng làm thì phải làm thôi…”

Nhẫn là Đạo
Cao nhân thực sự trong thế gian chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người.
Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, chẳng phải cũng như vậy sao?
Thông minh thì không nhất định là có trí tuệ nhưng trí tuệ thì bao gồm cả thông minh. Người thông minh không xem trọng được mất, người có trí tuệ biết dũng cảm buông bỏ và vượt qua. Tai thực sự thính chính là có thể nghe được tiếng lòng, mắt thực sự sáng là có thể nhìn thấu tâm linh.
Nhìn, không hẳn đã là nhìn thấy.
Nhìn thấy không hẳn đã là nhìn thấy rõ
Nhìn thấy rõ không hẳn đã là nhìn thấy hiểu
Nhìn thấy hiểu không hẳn đã là nhìn thấu.
Nhìn thấu không hẳn đã là thông suốt.

(st)

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Công nghệ sẽ thay đổi tương lai của chúng ta như thế nào?

Trong tương lai, quyền định đoạt vận mệnh của thế giới rất sẽ nằm trong tay những người nắm được công nghệ.
 *Bài viết thể hiện quan điểm của Jamie Condliffe trên trang Gizmodo và biên tập từ tác giả


Chú robot đáng yêu trong bộ phim hoạt hình Big Hero

 Công nghệ đang là tâm điểm của cuộc sống hiện đại. Nhưng khi các hệ thống điện tử và máy tính đang ngày càng trở nên phức tạp, cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ ngày càng lệ thuộc vào những người tạo ra các hệ thống trên – các kỹ sư và cuộc chơi sẽ chỉ dành cho ai nắm bắt được công nghệ. Vào năm 1952, nhà văn người Mỹ Kurt Vonnegut đã ra mắt tiểu thuyết đầu tay của mình, Player Piano. Cuốn sách này miêu tả một tương lai gần, trong đó xã hội gần như được tự động hóa hóa toàn bộ mà không cần có lao động con người. Trong tiểu thuyết, máy móc tự chế tạo máy móc, nắm quyền tuyển dụng con người và thậm chí đánh bại những kỳ thủ cờ vua giỏi nhất. Vonnegut có trí tưởng tượng về tương lai đáng kinh ngạc. Những điều ông viết dường như đã trở thành hiện thực. Thế giới của chúng ta đang rất giống những gì ông miêu tả. Máy in 3D có thể xây một ngôi nhà, phần mềm của Uber tự quyết định chọn tài xế cho khách hàng, và Google đã tạo ra một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đánh bại nhà vô cờ vây thế giới trong trò chơi mà chúng ta cho rằng "máy móc không thể thắng".

Trí tuệ nhân tạo (AI) AlphaGo đánh bại Kỳ thủ cờ vây Lee Sedol
Mặc dù vậy, trong thế giới tưởng tượng của Vonnegut, không phải mọi chuyện đều tốt đẹp. Tự động hóa đã gây chia rẽ xã hội. Tầng lớp thượng lưu giàu có, gồm các kỹ sư và nhà quản lý, là những người nắm quyền điều khiển xã hội. Tầng lớp thấp hơn gồm những người có trình độ thấp bị thay thế bởi máy móc. Các kỹ sư thì sống trong xa hoa, tiệc tùng, nhà đẹp, giàu sang và quyền lực.
Có lẽ thế giới của chúng ta đang đi theo chiều hướng tương tự. Rõ ràng, những người nắm giữ vị trí đỉnh cao trong xã hội ngày nay gồm ngày càng ít những người điều hành các công ty bán lẻ, quỹ đầu tư hoặc thậm chí các quốc gia. Thay vào đó, những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay đang thuộc về ngành công nghệ.
Các chuyến thăm của Tim Cook tới Trung Quốc và Ấn Độ được xem như những chuyến thăm cấp nhà nước. Ông được đối đãi như nguyên thủ quốc gia thay vì như giám đốc một công ty bán điện thoại. Mark Zuckerberg thì đứng bằng vai phải lứa với các chính trị gia. Facebook là kênh tương tác với người dân cần có của mọi chính trị gia (thậm chí đây là kênh thu hút cử tri phổ biến nhất so với các kênh truyền thống).
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg
Không chỉ các tỷ phú và chính trị gia cấp cao, những nhân vật máu mặt trong làng công nghệ hiện nay là những người đang thao túng các cuộc bầu cử tổng thống trong bí mật. Và dường như với quyền lực và sự giàu có nhờ sự nghiệp trong ngành công nghệ đem lại, đến tòa án cũng phải nể nang họ.
Trong khi đó, phần còn lại của xã hội thì không được may mắn như thế. Trong Player Piano, phần còn lại của xã hội, những người bị công nghệ lấy mất việc làm, phải sống trong khó khăn. Họ sống ở ngoài lề của nền kinh tế, cung cấp dịch vụ cho các chuyên gia công nghệ giàu có, và chật vật kiếm từng đồng thù lao ít ỏi.
Đáng buồn là hố sâu ngăn cách gây ra bởi công nghệ đang ngày càng lớn. Hai học giả Carl Frey và Michael Osborne của đại học Oxford dự đoán, lên đến 47% các công việc có nguy cơ bị đào thải do tự động hóa. Có quan điểm cho rằng con người sẽ tạo ra việc làm mới để bù cho số việc cũ mất đi. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Frey cho thấy tốc độ việc làm mới được tạo ra đang chậm lại. 8,2% người lao động Mỹ chuyển sang việc làm mới trong thập niên 1980. Trong thập niên 1990 và 2000, con số trên giảm xuống tương ứng là 4,4% và 0,5%. Công nghệ đang không tạo ra việc làm mới đủ nhanh để bù lại tốc độ mất việc làm.
Máy móc dần thay thế con người trong công việc chân tay
Nếu điều đó tiếp tục xảy ra, nhiều công việc kỹ năng trung bình, từ thư ký pháp luật, kế toán, cho đến nhân viên pha chế và thậm chí nhà báo, có thể bị thay thế bởi robot và AI. Một số người làm những nghề này có thể đủ may mắn để thăng tiến lên vị trí cao hơn, gia nhập đội ngũ chuyên gia cấp cao. Nhưng tương lai của những người còn lại thì thật đáng lo ngại. Công việc kỹ năng thấp của họ sẽ bị thay thế bởi robot và dẫn đến thất nghiệp.
Trong ngành Xây dựng cũng chứng kiến những điều tương tự. Năng suất lao động thấp cùng quy trình làm việc cũ đang trở thành thách thức của các doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ mới. quy trình mới đang là chìa khóa cho vấn đề này: công nghệ BUILDING INFORMATION MODELING (BIM). Với BIM, năng suất lao động và chất lượng được cải thiện và tối ưu.  Công trình được kiểm soát và tối ưu từ Thiết kế – Thi công – Vận hành – Phá dỡ. Với công nghệ này, một doanh nghiệp có thể tinh gọn nhân sự, chỉ cần một đội BIM tốt, không đông nhưng có trình độ có thể đảm nhiệm công việc của hàng chục người thậm chí cả trăm người trước đây.
Công nghệ BIM đang thay đổi ngành xây dựng
Vậy khi 10 người có thể đảm nhiệm công việc của 50 người thì 40 người kia sẽ ra sao?
Câu chuyện sẽ không chỉ dành cho người lao động nữa, mà các doanh nghiệp năng lực kém cũng sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi khi nói không với công nghệ.
Tương lai của chúng ta vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Nhưng có một thực tế là thế giới đang ngày càng lệ thuộc vào công nghệ. Trong tiểu thuyết Player Piano, một nhóm nhỏ các kỹ sư bất mãn đã tiến hành đảo chính, vận động dân chúng tấn công hệ thống tự động hóa mà họ đã tạo ra. Nhưng họ đã thất bại. Đấy là trong tiểu thuyết, còn thực tế thì sao?

Bản quyền thuộc về hungphamkts2014. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts